Cấp cứu (24/24): 0867 801 115 Chăm sóc khách hàng: 0867 715 115 Tổng đài hệ thống: 0901 668 115

Nhi khoa

Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi về đêm, ba mẹ có nên lo lắng?

Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi về đêm, ba mẹ có nên lo lắng?

Tình trạng trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi về đêm có thể ảnh hưởng lớn tới giấc ngủ và sự phát triển của bé. Thực tế là có rất nhiều cách để giúp bé yêu thoải mái và ngủ thẳng giấc hơn dù con đang bị nghẹt mũi đấy.

Các bé thường có hốc mũi hẹp hơn người lớn nên dễ bị nghẹt mũi về đêm khi bị viêm nhiễm hoặc mũi có quá nhiều dịch. Trẻ nhỏ và đặc biệt là trẻ sơ sinh thở chủ yếu bằng mũi vì chưa thể thở bằng miệng như người lớn. Hơn nữa, các bé cũng chưa biết các xì mũi để đẩy dịch ra ngoài như người lớn. Vậy nên, tình trạng trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi về đêm có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Khi nghẹt mũi, bé có thể bị ảnh hưởng thính giác hay ảnh hưởng đến giấc ngủ, yếu tố cần thiết cho quá trình phát triển cơ thể. Bên cạnh đó, chứng nghẹt mũi cũng có thể gây ra các tác động lâu dài khác như ảnh hưởng quá trình phát triển khả năng nói hay nhiễm trùng tai và xoang do dịch nhầy. Để bé có giấc ngủ thật ngon và phát triển toàn diện, ba mẹ cần xác định lý do khiến bé bị nghẹt mũi và áp dụng một số phương pháp chăm sóc phù hợp.

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi về đêm

Nhìn chung, các nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi về đêm cũng tương tự như ở người lớn. Một số nguyên nhân có thể kể đến là :

  • Cảm lạnh thông thường hoặc cảm cúm khiến mũi có nhiều dịch
  • Viêm xoang
  • Viêm mũi dị ứng hoặc các bệnh dị ứng khác
  • Viêm mũi không dị ứng
  • Trẻ bị dị ứng với bụi, thức ăn hay một số tác nhân khác

Tuy nhiên, tình trạng nghẹt mũi xảy ra đột ngột và chỉ xuất hiện ở một bên mũi cũng có thể do dị vật gây tắc nghẽn trong khoang mũi.

Cách giảm tình trạng nghẹt mũi về đêm ở trẻ

  • Nếu bé bị nghẹt mũi, bạn có thể áp dụng một số cách sau để tình trạng nghẹt mũi không trở nặng vào ban đêm và không ảnh hưởng giấc ngủ của bé:
  • Kê gối hoặc nâng đầu giường của con sao cho con có thể nâng cao đầu khi ngủ. Tuy nhiên, bạn cần chú ý quan sát bé để tránh bé bị ngạt khi nằm gối cao.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm hay máy phun sương để không khí trong phòng ngủ không quá khô. Điều này sẽ giúp khoang mũi của bé không bị khô. Bạn cũng cần vệ sinh máy mỗi ngày để không khí luôn sạch.
  • Tiếp tục cho bé bú nhiều hơn bình thường để cung cấp dịch lỏng cho cơ thể. Lưu ý là với các bé đã ăn dặm, mẹ có thể cho bé uống thêm chút nước để dịch trong mũi loãng hơn và không gây nghẹt mũi.
  • Sử dụng nước muối sinh lý dạng nhỏ hoặc xịt mũi dịu nhẹ. Bạn có thể tìm mua các loại nước muối này dễ dàng tại hiệu thuốc.
  • Dùng bình rửa mũi để vệ sinh mũi cho bé. Khi rửa mũi cho bé, bạn cần lưu ý chọn loại bình rửa mũi phù hợp với độ tuổi của con.
  • Làm ấm không khí trong phòng bằng cách đặt một chậu nước ấm để bé hít thở không khí ấm và ẩm trước khi ngủ.
  • Nếu bé bị nghẹt mũi do dị ứng, ba mẹ cần dọn dẹp phòng thường xuyên để loại bỏ những tác nhân gây dị ứng cho bé. Ngoài ra, bạn cũng có thể chuẩn bị máy lọc không khí để giảm thiểu tác nhân gây dị ứng có trong không khí.

Những trường hợp cần đưa trẻ đi khám ngay

Thông thường, tình trạng trẻ sơ sinh nghẹt mũi về đêm có thể nhanh chóng biến mất và bé sẽ có hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn sau khi đã hết bệnh. Tuy nhiên, bạn cần cho bé đi khám nếu chứng nghẹt mũi không giảm nhẹ sau vài ngày.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần đưa bé đi cấp cứu nếu con bạn có dấu hiệu khó thở nghiêm trọng như:

  • Bé có biểu cảm hoảng sợ
  • Bé rên khó chịu cuối mỗi hơi thở
  • Bé thở mạnh thành tiếng
  • Bé không bú được vì thở quá khó khăn hoặc quá nhanh
  • Da bé xanh xao, đặc biệt là xung quanh môi và móng tay.

Tình trạng trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi về đêm nếu không được chú ý chăm sóc kịp thời có thể khiến bé ngủ không thẳng giấc, quấy khóc và khó phát triển toàn diện. Tuy nhiên, bạn chỉ cần kiên nhẫn cho bé bú đầy đủ cũng như giữ cho không khí trong phòng luôn đủ ẩm sạch sẽ là đã có thể cải thiện tình trạng rất nhiều rồi đấy.

x

Đăng ký lịch khám