Cấp cứu (24/24): 0867 801 115 Chăm sóc khách hàng: 0867 715 115 Tổng đài hệ thống: 0901 668 115

Nhi khoa

Bé nuốt phải nước hoa có sao không? Xử lý như thế nào an toàn?

Việc các bé nuốt phải nước hoa có thể là một tai nạn phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Như bạn đã biết, không ít sản phẩm nước hoa được thiết kế vỏ ngoài rất bắt mắt, công phu. Một số nước hoa cũng có mùi ngọt ngào dễ thu hút trẻ em muốn ngửi, thậm chí là dùng lưỡi nếm hoặc uống thử, đặc biệt là trẻ còn nhỏ chưa có nhận thức về các sản phẩm không nên uống.

Trong một số trường hợp, nhiều ba mẹ sẽ bối rối khi phát hiện trẻ nuốt nước hoa và không biết có nguy hiểm không? Nên xử lý ra sao? Trong bài viết sau, sẽ cung cấp một số thông tin giải đáp những vấn đề này để bạn tham khảo.

Bé nuốt phải nước hoa có sao không?

Ở khía cạnh hóa học, nước hoa là sản phẩm được làm từ những thành phần chính như cồn (alcohol), nước và các phân tử có mùi thơm bốc hơi ở nhiệt độ thường. Trong đó, nồng độ cồn của nước hoa khá cao, có thể chiếm khoảng 20-95%, thường là cồn etylic (ethanol). Về cơ bản, nước hoa không phải là một sản phẩm được tạo ra để uống nên nhiều cha mẹ không tránh khỏi lo lắng, thắc mắc liệu bé nuốt phải nước hoa có sao không?

Đối với vấn đề này sẽ không có câu trả lời cụ thể. Nguy cơ trẻ ngộ độc do nuốt nước hoa thường phụ thuộc vào liều lượng mà trẻ nuốt phải. Điều này nghĩa là nếu trẻ chỉ nếm một chút nước hoa thì gần như là không gặp rủi ro quá nghiêm trọng. Ngược lại, nếu trẻ dung nạp nhiều hơn, chẳng hạn như uống vào một lượng nước hoa thì nguy cơ ngộ độc có thể xảy ra. Đối với trẻ em, dung nạp cồn có trong nước hoa cũng có thể dẫn đến giảm lượng đường trong máu xuống nồng độ thấp và gây nguy hiểm.

Bé nuốt phải nước hoa – Triệu chứng trẻ bị ngộ độc là gì?

Khi trẻ nuốt phải nước hoa, các triệu chứng nhẹ được dự kiến có thể là trẻ cảm thấy khó chịu, buồn nôn, nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn là trẻ bị ngộ độc nước hoa, bạn có thể nhận biết qua các triệu chứng ở trẻ như:

  • Đau bụng
  • Tiêu chảy, buồn nôn, nôn (có thể kèm theo máu)
  • Chóng mặt, đau đầu, đau họng
  • Nhịp tim nhanh
  • Thở chậm hoặc thở dốc
  • Nói lắp
  • Khó đi lại bình thường, mất khả năng phối hợp khi chuyển động
  • Lượng nước tiểu quá ít hoặc quá nhiều
  • Nhiệt độ cơ thể thấp, lượng đường trong máu thấp và huyết áp thấp
  • Nghiêm trọng nhất là trẻ có thể co giật và hôn mê.

Song song đó, bạn cần lưu ý rằng trẻ em tiếp xúc với hóa chất độc hại, chẳng hạn như cồn trong nước hoa, rất dễ bị hạ đường huyết. Trẻ thường có các triệu chứng sau đây khi lượng đường trong máu giảm:

  • Cáu gắt
  • Lú lẫn
  • Buồn nôn
  • Buồn ngủ
  • Yếu ớt.

Bạn nên làm gì nếu bé nuốt phải nước hoa?

Khi bé nuốt phải nước hoa hoặc dung nạp cồn từ bất kỳ nguồn nào (bia rượu, nước súc miệng, nước rửa tay…), ba mẹ cần “nằm lòng” những điều sau đây để đảm bảo xử lý đúng cách:

  • Đối với trường hợp không nghiêm trọng, bạn hãy cho trẻ uống sữa, nước trái cây hoặc ăn nhẹ để tránh hạ đường huyết
  • Tuyệt đối không tự gây nôn cho trẻ tại nhà để tránh những rủi ro như tổn thương cổ họng, khiến chất độc đi vào đường hô hấp…

Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn nên nhanh chóng gọi cấp cứu, cho trẻ nhập viện nếu bé có những triệu chứng ngộ độc như khó thở, thở chậm, nhịp thở không đều, nghẹt thở, nhịp tim nhanh, đau ngực, nôn ra máu, buồn ngủ cực độ, co giật, ngất xỉu…

Đối với trường hợp bé cần được đưa đi cấp cứu, bạn cần chuẩn bị sẵn một số thông tin sau đây để cung cấp cho bác sĩ nhằm giúp quá trình điều trị được nhanh chóng hơn:

  • Tuổi và cân nặng của trẻ
  • Các triệu chứng, tình trạng sau khi bé nuốt phải nước hoa
  • Trẻ nuốt nước hoa xảy ra cách thời điểm hiện tại là bao lâu
  • Lượng nước hoa trẻ nuốt vào là bao nhiêu
  • Tên sản phẩm, thành phần (nếu bạn có thông tin).
  • Làm sao để phòng ngừa việc bé nuốt phải nước hoa?

Trẻ nuốt phải nước hoa có thể bị ngộ độc nếu nuốt một lượng nhiều và gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, việc chú ý phòng ngừa luôn là điều quan trọng nhất. Sau đây là một số lời khuyên bạn nên tham khảo để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ :

  • Luôn cất, lưu trữ nước hoa hoặc bất kỳ sản phẩm độc hại nào ngoài tầm với của trẻ. Cách tốt nhất là bạn nên cất nước hoa trong tủ khóa thay vì đặt trên bàn hoặc bất kỳ vị trí nào trẻ chạm đến được.
  • Sau khi sử dụng nước hoa hoặc các sản phẩm khác chứa cồn, bạn cần nhớ cất trở lại trong tủ và không tùy tiện để ở bên ngoài.
  • Không cho trẻ tiếp xúc với chai nước hoa, nước rửa tay, dung dịch tẩy rửa… như một món đồ chơi.
  • Đối với trẻ lớn hơn và có đủ nhận thức, bạn nên dạy trẻ những sản phẩm nào không thể uống được và dạy trẻ luôn hỏi ý kiến bạn trước khi uống bất kỳ thứ gì.

Nhìn chung, đối với nước hoa hoặc bất kỳ sản phẩm nào không dùng để uống cũng có thể tiềm ẩn rủi ro nếu trẻ nhỏ vô tình nuốt phải. Do đó, biết được cách xử lý đúng, an toàn là những kiến thức bạn không nên bỏ qua. Thêm vào đó, cách tốt hơn hết là bạn nên chú ý đến việc phòng ngừa bé nuốt phải nước hoa để ngăn chặn những rủi ro không mong muốn.

x

Đăng ký lịch khám